Công ty CP Cao su Chư Sê – Kampong Thom triển khai dự án ở tỉnh Kampong Thom (Campuchia) được xem là điển hình khát vọng làm nên những kỳ tích của ngành cao su Việt Nam và hướng tới những tiêu chuẩn quốc tế trong tương lai.
Tôi thật sự ấn tượng khi đến vùng dự án của Công ty CP Cao su Chư Sê – Kampong Thom. Trụ sở làm việc và 2 nhà máy chế biến mủ cao su luôn gọn gàng, sạch sẽ mọi chi tiết. Trong các khuôn viên rộng lớn, dù ở góc nhỏ cũng không hề thấy bất kỳ một cái bọc ni lông hay tàn thuốc lá nào. Cây xanh và hoa nở rực sắc màu, trông như khuôn viên của các resort vậy.
“Chú Linh (ông Nguyễn Duy Linh, Tổng giám đốc Công ty Cao su Chư Sê – Kampong Thom – PV) thường nói mình giữ sạch môi trường sống là giữ cho sức khỏe tinh thần và thể chất cho mình. Rồi anh em cũng đều quen như thế, nhắc nhở nhau ý thức”, Tân, từ Chư Sê (Gia Lai) sang Kampong Thom làm cán bộ công ty, chia sẻ khi trò chuyện với tôi.
Cuối tháng 7.2023, tôi có dịp gặp lại ông Nguyễn Duy Linh ở Phnom Penh khi tham gia cùng đoàn công tác VRG sang thăm và chúc mừng thành công một số lãnh đạo, cơ quan của Campuchia sau cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia khóa 7. Ông Linh là “kiến trúc sư trưởng” của Cao su Chư Sê – Kampong Thom, rất được anh em cán bộ, công nhân lao động thương quý, nể trọng vì những đóng góp cho công ty và những việc ông chăm lo cho họ. Tôi cảm nhận điều này trong lần đầu đến Kampong Thom vào khoảng giữa năm 2022.
Khi được hỏi về Cao su Chư Sê – Kampong Thom, ông Linh chia sẻ nhiều tin vui. Diện tích vườn cây đang kỳ khai thác hơn 16.000 ha, năm 2022 đạt sản lượng khoảng 25.000 tấn, có khoảng 3.200 công nhân với thu nhập bình quân 8,6 triệu đồng/tháng. Mục tiêu sản lượng năm 2023 tăng lên 27.300 tấn, cao nhất toàn ngành. Sau 16 năm đầu tư, nhờ hiệu quả vườn cây mang lại cao, công ty đã trả hết nợ vay. Dự kiến đến năm 2025 sẽ khấu hao toàn bộ dự án.
Các dự án cao su Việt Nam trên đất Campuchia kéo dài 50 năm. Cao su trồng sau khoảng 6-7 năm mới có thể bắt đầu khai thác mủ. Như vậy, chỉ chưa tròn 10 năm, kết quả đạt được của Cao su Chư Sê – Kampong Thom có thể nói như kỳ tích.
“Thời gian còn lại của dự án sẽ tính phương án linh hoạt là trồng mới gối đầu để năm nào cũng có vườn cây có mủ để khai thác, cao điểm là khoảng 40.000 tấn, thấp điểm cũng 18.000 – 20.000 tấn mủ. Hướng là phát triển bền vững, vừa duy trì lực lượng lao động, nhà máy chế biến và phát huy hạ tầng đã làm”, ông Linh chia sẻ.
Khu vực dự án của Công ty CP Cao su Chư Sê – Kampong Thom
ẢNH: ĐÌNH NGUYÊN
NHỮNG NGÀY THÁNG KHÔNG THỂ NÀO QUÊN
Đã có bao mùa nắng mưa để những mầm xanh vươn lên thành những cánh rừng cao su ngút ngàn, xanh tốt. Đã có bao giọt mồ hôi rơi để những vùng đất hoang hóa được hồi sinh, đổi thay số phận của hàng ngàn người. Hành trình ấy là những bước chân khai phá, là những quyết tâm chinh phục, là niềm hạnh phúc vỡ òa. Những cánh rừng cao su là dòng chảy cuộc sống, đã và đang tiếp nối tương lai vững bền.
Những nỗ lực bền bỉ của cán bộ, công nhân viên Cao su Chư Sê – Kampong Thom trong suốt 16 năm qua đã tạo nên kỳ tích là một cộng đồng được đảm bảo an sinh giữa những cánh rừng cao su bạt ngàn và lớn nhất của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) tại Vương quốc Campuchia. Kỳ tích ấy là biểu tượng sinh động của tình đoàn kết, hữu nghị, sát cánh giữa 2 quốc gia láng giềng cùng chung dòng Mê Kông. Và hơn cả đó là khát vọng vươn xa, gắn bó mật thiết của tinh thần Việt Nam trên đất bạn.
Trước đó năm 2007, thực hiện chủ trương hợp tác trồng 100.000 ha cao su giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Campuchia, VRG đã thành lập 16 công ty con với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,8 tỉ USD. Theo quyết định của VRG, ngày 15.7.2009, Cao su Chư Sê – Kampong Thom được thành lập. Năm 2008 nhận được nhiệm vụ của tập đoàn, 5 người trong “tổ công tác đặc biệt” đã tiên phong khảo sát thực địa làm dự án, sau này công ty đã quy tụ thêm một số lượng lớn cán bộ trẻ ở trong nước được tuyển dụng và đưa sang Campuchia.
Đó là những ngày tháng không thể nào quên của những người đã cống hiến tuổi xuân trên đất nước bạn. Hành trình vạn dặm bắt đầu từ mỗi bước chân. Những người tiên phong đã trèo đèo, lội suối, băng rừng, dầm mình dưới cái nóng bỏng da để khai hoang, cắm mốc, vạch đường ranh. Họ đã bắt đầu dự án với sự nhiệt huyết và tinh thần không ngại bất cứ khó khăn nào.
Vượt qua thời tiết khắc nghiệt với những mùa mưa ngập nước, vượt qua những rào cản ngôn ngữ, tình hình an ninh trật tự, cán bộ, công nhân viên người Việt của Cao su Chư Sê – Kampong Thom đã kiên trì, nhẫn nại hướng dẫn và cùng người dân bản địa khai hoang, gieo trồng những mầm xanh cao su. Thế rồi mỗi ngày từng lô, từng khoảnh cao su xanh tốt đã dần thay thế đất bỏ hoang ở Kampong Thom.
Học sinh là con em công nhân cao su ở trường học do Công ty CP Cao su Chư Sê – Kampong Thom xây dựng
THẦN TỐC VỀ ĐÍCH
Khát vọng đổi thay vùng đất nghèo xa xôi đã làm nên kỳ tích. Kế hoạch VRG giao trồng trong 8 năm nhưng mới chỉ 5 năm đầu, Cao su Chư Sê – Kampong Thom đã hoàn thành mục tiêu. Diện tích hơn 16.268 ha cao su của công ty được đánh giá là rộng nhất và chất lượng tốt nhất của VRG tại Campuchia, sản lượng đỉnh điểm của vườn cây đạt trên 33.000 tấn/năm.
Ông Trần Ngọc Thuận bây giờ là Ủy viên HĐQT VRG, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA). Giai đoạn 2018 – 1.2022, ông là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG. Khi nhắc đến Cao su Chư Sê – Kampong Thom, ông Thuận chia sẻ: “Tôi đã cùng anh em Cao su Chư Sê – Kampong Thom đi khảo sát dự án này. Thực sự lúc đó nhìn vào quãng đường đi, nhìn vào đường núi mênh mông, địa hình hiểm trở, không ai nghĩ ngày hôm nay chúng ta có diện tích cao su rất lớn và năng suất tốt như vậy. Đây là một trong những dự án đạt tốc độ kỷ lục và chất lượng vườn cây tốt nhất từ trước đến nay”.
Năm 2018, Nhà máy chế biến mủ cao su Stoung CRCK2 của Cao Su Chư Sê – Kampong Thom đi vào hoạt động cũng là một kỳ tích mới. Đây là công trình trọng điểm của VRG với quy mô lớn nhất toàn ngành cao su và là nhà máy đạt chuẩn khu vực. Hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, tiên tiến nhất ở Cao su Chư Sê – Kampong Thom, phòng thí nghiệm đạt chuẩn Vilas cũng lần lượt được đưa vào vận hành.
Sau 16 năm, từ một vùng đất hẻo lánh, nghèo khó, với sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo VRG, sự hỗ trợ tích cực của chính quyền sở tại và nỗ lực không ngừng nghỉ của cán bộ, công nhân lao động, Cao su Chư Sê – Kampong Thom bây giờ đã phủ kín màu xanh cao su bạt ngàn, hình thành nên một cộng đồng với hơn 3.200 cán bộ, công nhân viên, lao động với thu nhập ổn định, đảm bảo an sinh.
Dòng nhựa trắng đã mang lại cơ hội đổi đời và cuộc sống trù phú cho biết bao người dân bản địa trên vùng đất khó. Cao su đi đến đâu, điện, đường, trường, trạm được đầu tư bài bản đến đó. Cao su Chư Sê – Kampong Thom đã đầu tư 78.000 USD để xây dựng trường học, thư viện, nơi ở cho giáo viên. Những khu dân cư với mô hình nhà ở song lập cũng được hình thành, giúp công nhân an cư lạc nghiệp.
Nhiều công nhân người Campuchia đều chia sẻ niềm vui khi gắn bó ở cộng đồng cao su. Tôi còn nhớ mãi lời của anh Suông Khươn: “Trước kia tôi làm nhiều việc rất vất vả nhưng tiền bạc không có dư, khi làm việc tại công ty, tôi được cấp nhà ở, được khám chữa bệnh lúc ốm đau, thu nhập cũng tốt hơn nhiều”.
Công ty CP cao su Chư Sê – Kampong Thom đã được Hội đồng thi đua khen thưởng VRG đề nghị các cấp xem xét trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho tập thể cán bộ, người lao động của công ty, và danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho cá nhân ông Nguyễn Duy Linh – người tiên phong gắn bó liên tục với dự án suốt 16 năm, làm nên những kỳ tích trên đất nước bạn.
Công ty CP Cao su Chư Sê – Kampong Thom từng vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng ba, Huân chương Lao động hạng nhì… Cá nhân ông Nguyễn Duy Linh vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng nhất, và được Chính phủ Campuchia trao Huân chương Đại tướng quân.