(NLĐO) – Giữa bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, việc dùng trấu thay dầu DO giúp một nhà máy cao su của doanh nghiệp Việt tại Campuchia tiết kiệm đáng kể
Đây là nhà máy chế biến mủ cao su có tổng vốn đầu tư 180 tỉ đồng đóng tại huyện Stoung, tỉnh Kampong Thom, Campuchia do Công ty CP cao su Chư Sê – Kampong Thom, thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG).
Nhà máy chế biến mủ cao su thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam tại Campuchia có tổng vốn đầu tư 180 tỉ đồng
Phóng viên có mặt tại nhà máy trong những ngày giữa tháng 6, khi nhà máy mới khởi động sản xuất phục vụ mùa cạo mủ mới 2022.
100% lao động trực tiếp tại đây là người Campuchia, người Việt Nam chỉ thực hiện các công việc gián tiếp theo cam kết đầu tư của doanh nghiệp tại Campuchia với tỉ lệ dưới 10% tổng lao động tại dự án.
Nhà máy chế biến cao su vừa khởi động sản xuất cho mùa thu hoạch năm 2022, toàn bộ lao động trực tiếp là người Campuchia
Ông Nguyễn Duy Linh, Tổng giám đốc Công ty CP cao su Chư Sê – Kampong Thom, cho biết đây là nhà máy chế biến mủ cao su lớn nhất toàn ngành, công suất 32.400 tấn/năm, phục vụ cho vùng nguyên liệu cho sản lượng đỉnh điểm 33.000 tấn/năm.
Công ty có 2 dự án công ty đang đầu tư tại Campuchia là C.R.C.K.2 và Bean Heack với diện tích gần 16.300 ha, được trồng từ năm 2010-2014 và đang được khai thác toàn bộ trên địa bàn tam giác 3 tỉnh KamPong Thom, Siêm Riệp và Preah Vihear.
Doanh nghiệp phải trải qua nhiều gian nan trong quá trình xây dựng nhà máy khổng lồ
Nhà máy được khởi công từ tháng 7-2017 và gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, thuế quan trong việc nhập khẩu thiết bị, máy móc cũng như tay nghề của công nhân bản địa chưa cao, năng suất thấp. Tuy vậy, nhà máy đã nỗ lực vượt khó để đi vào hoạt động từ tháng 1-2018 (giai đoạn 1), sớm hơn kế hoạch 6 tháng, sản phẩm sau chế biến được các khách hàng trong và ngoài nước đánh giá rất tốt.
Ông Nguyễn Duy Linh giới thiệu về hệ thống lò hơi sử dụng nhiên liệu trấu (phía sau)
Từ tháng 10-2021, nhà máy đã chuyển đổi cung cấp nhiệt lò xông từ nhiên liệu dầu DO (diesel) sang trấu – nhiên liệu sinh khối (biomass), giúp tiết giảm 25% tổng chi phí nguyên liệu dầu chế biến.
Thiết bị lò hơi được nhập từ Việt Nam
Ông Nguyễn Duy Linh cho biết nguồn trấu được thu mua từ các nhà máy gạo xay xát gạo xung quanh dự án, chủ lực là các nhà máy gạo có hợp đồng cung cấp gạo cho công nhân của công ty. Trước tình hình giá dầu diesel tăng cao như hiện nay, việc dùng trấu để xông sấy mủ cao su giúp tiết kiệm chi phí rất lớn. Hơn nữa, phương pháp xông sấy bằng trấu cũng làm tăng chất lượng sản phẩm của công ty.
Nhờ lợi thế có nguồn trấu lớn xung quanh nhà máy đã giúp nhà máy thuận lợi trong việc chuyển đổi nhiên liệu
Những năm gần đây, xu hướng dùng nhiên liệu sinh khối thay nhiên liệu hóa thạch gia tăng, không chỉ do giá xăng dầu tăng mà còn vì lý do bảo vệ môi trường, tận dụng được các phế phẩm nông nghiệp.
Phòng kiểm nghiệm chất lượng mủ cao su – Ảnh: Xuân Khiêm
Phòng Quản lý chất lượng được đầu tư hơn 1 triệu USD gồm chi phí xây dựng và thiết bị hiện đại, chuẩn VILAS – Ảnh: Xuân Khiêm
Ngoài ra, nhà máy chế biến mủ cao su khổng lồ này còn có Phòng Quản lý chất lượng được đầu tư hơn 1 triệu USD gồm giá trị xây dựng và thiết bị đạt chuẩn VILAS đã được Văn phòng Công nhận Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam) ra quyết định công nhận phòng phù hợp theo yêu cầu của ISO/IEC 17025:2017.
Phòng Quản lý Chất lượng của Công ty được VRG giao nhiệm vụ cấp chứng nhận chất lượng cho các công ty cao su trực thuộc Tập đoàn tại Campuchia và các đơn vị ngoài ngành có yêu cầu cấp chứng nhận chất lượng.
Ngọc Ánh
Theo: Người Lao Động